Sỏi mật là bệnh lý khá phổ biến ở đường tiêu hóa. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà còn có thể biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí gây ung thư.
Vị trí và cấu tạo của túi mật
Túi mật là một bộ phận của hệ thống đường dẫn mật. Nó là một túi nhỏ nằm ở mặt dưới thùy gan, có màu xanh, hình quả lê, có tác dụng lưu trữ và cô đặc mật. Mật là hợp chất được gan bài tiết ra và lưu trữ trong túi mật. Mật sẽ được đẩy xuống ruột nhằm tiêu hóa chất béo.
Túi mật dài khoảng 6 – 8cm, chiều rộng lớn nhất khoảng 3 – 4cm khi căng đầy. Túi mật có cấu tạo 3 phần gồm đáy, thân và cổ.
Chức năng của túi mật
Túi mật là nơi chứa và dự trữ mật do gan tổng hợp và tiết ra. Khi ăn, gan bài tiết nhiều mật hơn. Mật là chất sền sệt, màu vàng hoặc xanh lục và có đắng. Mật có vai trò hỗ trợ tiêu hóa vì muối mật là muối Kali hoặc Natri của các acid mật, có nguồn gốc từ cholesterol với glycin hoặc taurine nên muối mật có vai trò phân hủy chất béo, giúp chất béo đã được tiêu hóa đi qua thành ruột và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của men Lipase (phân hủy Lipid).
Túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật vào ống mật chủ rồi đổ xuống tá tràng, ruột non, hỗ trợ tiêu hủy chất béo và thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, túi mật còn có vai trò giống như một van điều phối để dẫn dịch mật đi vào tá tràng rồi xuống ruột non một cách nhịp nhàng.
Nguyên nhân dẫn đến sỏi mật
Sỏi mật được hình thành bởi rất nhiều cơ chế. Trong đó một vài cơ chế phổ biến gồm:
Dịch mật chứa nhiều cholesterol
Thông thường, mật có đủ hóa chất để hòa tan cholesterol mà gan bài tiết ra. tuy nhiên, nếu gan bài tiết quá nhiều cholesterol và mật không hòa tan được hết sẽ gây ứ đọng cholesterol và lâu dần hình thành tinh thể, kết tinh lại thành sỏi mật.
Mật chứa nhiều bilirubin
Bilirubin là hóa chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Khi bạn gặp phải các vấn đề như xơ gan, rối loạn về máu, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến gan tạo ra nhiều bilirubin và lượng bilirubin dư thừa sẽ tích tụ lại rồi hình thành nên sỏi mật.
Túi mật không được làm trống thường xuyên
Thỉnh thoảng, túi mật của bạn cần được làm trống. Nếu lúc nào túi mật cũng chứa đầy mật thì mật có thể sẽ bị cô đặc và lâu dần hình thành sỏi mật.
Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh sỏi mật
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi mật. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ở trong những tình trạng dưới đây thì nguy cơ bạn mắc bệnh sỏi mật sẽ cao hơn những người bình thường khác:
- Người lười vận động
- Người có chế độ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, ít chất xơ
- Thừa cân, béo phì
- Uống thuốc tránh thai thường xuyên
- Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, mắc các bệnh rối loạn máu
- Người có tiền sử gia đình mắc sỏi mật
- Người mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan
- Giảm cân nhanh cũng tăng nguy cơ mắc bệnh
Nếu thuộc một trong những đối tượng trên, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu sức khỏe có những bất thường.
Dấu hiệu của bệnh sỏi mật
Bệnh sỏi mật thường không có dấu hiệu điển hình và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nếu không được thăm khám chính xác. Tuy nhiên, dấu hiệu thường gặp nhất của sỏi mật là các cơn đau quặn bụng. Những cơn đau này có các đặc điểm như:
- Vị trí: Đau thường xảy ra ở vùng thượng vị hoặc ở vùng bụng bên phải nhưng chủ yếu vẫn là đau nhiều ở vùng thượng vị.
- Mức độ: Cơn đau thường nhiều và liên tục khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.
- Tính chu kỳ: Thường đau theo từng cơn riêng biệt, không âm ỉ. Các cơn đau kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Thời điểm: Các cơn đau thường xuất hiện nhiều trong vài giờ sau khi ăn hoặc đau vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh.
Bên cạnh những cơn đau quặn bụng, người bị bệnh sỏi mật còn có biểu hiện sốt, vàng da nếu bệnh đã bước sang giai đoạn nặng.
Phân loại sỏi túi mật
Sỏi túi mật được chia thành 2 loại phổ biến là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố. Trong đó:
Sỏi cholesterol là sỏi được hình thành chủ yếu do sự lắng đọng của cholesterol trong dịch mật. Loại sỏi này thường xuất hiện ở người phương Tây, hoặc người ăn theo chế độ của người phương Tây. Bên cạnh đó, phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới.
Sỏi sắc tố thường xuất hiện do nhiễm khuẩn đường ruột hay các bệnh như xơ gan, viêm gan, hoặc xuất hiện ở người đã cắt đoạn hồi tràng.
Bệnh sỏi mật có nguy hiểm không?
Bệnh sỏi mật nếu không được chữa trị sớm không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng của bệnh sỏi mật gồm:
- Viêm túi mật
Nếu các viên sỏi mật mắc kẹt ở cổ túi mật có thể sẽ gây viêm túi mật. Khi bị viêm túi mật, người bệnh có thể bị đau và sốt nặng.
- Tắc nghẽn ống tụy
Ống tụy chạy từ tuyến tụy và nối với ống mật chung trước khi vào tá tràng. Ống tụy có vai trò dẫn dịch tụy đi tiêu hóa thức ăn. Các viên sỏi mật có thể chèn ép và gây tắc ống tụy, lâu dần có thể gây viêm tụy. Biến chứng này gây đau bụng dữ dội và cần phải nhập viện để xử lý.
- Ung thư túi mật
Bệnh nhân bị sỏi mật có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn người bình thường. Vì vậy, cần chữa trị ngay sau khi phát hiện có bệnh để bảo vệ sức khỏe.
ốc nhiễm khuẩn đường mật
Đây là biến chứng rất nặng và nguy hiểm của bệnh sỏi mật với các biểu hiện như khó thở, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần…Tỷ lệ nhiễm khuẩn cao thường gặp ở người già, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Chảy máu đường mật
Tắc ống mật chủ do sỏi sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật trong gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng, gây tổn thương thành ống dẫn mật. Từ đó ảnh hưởng đến các mạch máu và có khả năng dẫn đến chảy máu đường mật.
- Xơ gan
Sỏi làm mật ứ trệ lại trong gan gây viêm gan cấp và mãn tính, dần dần xuất hiện các dải xơ do viêm.
Nguồn: KhamBenh.net